Chuẩn bị cỗ cúng, văn khấn cất nóc - đổ mái nhà đầy đủ nhất

03/10/2023
Lễ cúng cất nóc nhà là một trong ba nghi thức quan trọng trong quá trình thi công xây dựng nhà cửa. Trong quá trình thực hiện lễ cúng, gia chủ sẽ tiến hành đọc văn khấn cất nóc nhà để bày tỏ lòng thành đến với thần linh và cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn, suôn sẻ sẽ đến với gia đình mình. Hãy cùng hải Linh tìm hiểu về nghi lễ này trong bài biết bên dưới nhé!

1. Lễ cất nóc nhà là gì? Ý nghĩa của lễ cất nóc nhà

Lễ cất nóc nhà (đổ mái nhà) thường được gọi là lễ Thượng Lương (lễ gác đòn công). Đối với những ngôi nhà ở thành phố, lễ cất nóc được hiểu là ngày lợp mái, đổ trần hoặc bê tông trên sàn mái. Giống như lễ cúng động thổ và lễ nhập trạch, lễ cất nóc mang ý nghĩa cầu mong sự may mắn, thuận lợi cho quá trình xây dựng.

le cat noc nha

Theo quan niệm xưa, lễ cất nóc là ngày sẽ gác thanh giữa của nóc nhà mái dốc và có kèo

Xét về mặt tâm linh, lễ đổ mái nhà mang ý nghĩa thông báo đến thổ địa, thổ công và các vị thần linh về tiến trình xây dựng của công trình. Đồng thời cầu mong tổ tiên phù hộ, mang đến sự may mắn và sức khỏe của tất cả các thành viên trong gia đình. 

Người thực hiện lễ cúng và đọc văn khấn cất nóc nhà thường là người chủ nhà hoặc chủ thầu. Trong một số trường hợp, theo phong thủy mà gia chủ không hợp tuổi thì có thể nhờ người khác có năm tuổi đẹp làm lễ cất nóc hộ (mượn tuổi) hoặc nhờ người cúng cất nóc hộ.

2. Ngày, giờ làm lễ cất nóc - đổ mái nhà

Theo quan niệm từ xa xưa, việc đổ mái nhà cần phải xem xét ngày, giờ thật kỹ lưỡng để mang lại sự yên tâm và thuận lợi cho dự án thi công. Gia chủ thường phải nhờ đến thầy phong thủy để chọn ngày đẹp, giờ đẹp và tránh những ngày giờ xấu xung khắc so với tuổi của gia chủ. Ngày và giờ tốt cần tránh những ngày Hắc đạo để mang đến may mắn, việc đổ mái tiến hành suôn sẻ để mang đến công danh, may mắn cho gia đình.

Khi chọn thời gian tổ chức lễ cất nóc nhà, cần tránh những ngày bách kỵ như: sát chủ, dương công kỵ, tam nương, thụ tử, nguyệt kỵ bởi đây là những ngày không phù hợp để thực hiện các nghi lễ quan trọng (nhập trạch, cất nóc nhà, mở cổng, động thổ). Nên chọn ngày có nhiều Cát thần hợp với bản mệnh của gia chủ, chọn các ngày tốt như: giải thần, lộc mã, sinh khí, hoàng đạo,... 

3. Chuẩn bị mâm cỗ cúng cất nóc, đổ mái nhà như thế nào?

mam co cung le cat nc do moi nha

Gợi ý các lễ vật cần có trong mâm cúng cất nóc nhà

Mâm cỗ cúng lễ cất nóc thường được đặt ở khoảng đất trống, khô ráo gần nhà và các lễ vật cần phải chuẩn bị thật chu đáo để thể hiện sự thành tâm của gia chủ. Các lễ vật được chuẩn bị trước khi đọc văn khấn đổ mái nhà sẽ có sự khác nhau theo từng vùng miền, địa phương. Các lễ vật cần có trong lễ cúng này thường bao gồm:

  • 1 con gà luộc, 1 đĩa xôi.

  • 1 đĩa muối, 1 bát nước, 1 bát gạo.

  • 1 bộ đinh vàng, 5 phần lễ giấy tiền vàng.

  • 1 bộ Quan Thần Linh (quần áo đỏ, mũ đỏ, hia đỏ và kiếm trắng).

  • 5 cái oản, 5 lá trầu không, 5 quả cau.

  • 9 bông hoa có màu đỏ.

  • 1 cốc rượu trắng, 1 bao thuốc lá, trà khô.

  • Mâm ngũ quả (5 loại quả tròn, 5 màu sắc khác nhau tượng trưng cho 5 hành trong phong thủy).

4. Bài văn khấn cất nóc - đổ mái nhà đầy đủ nhất

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật cho mâm cúng, gia chủ cần chuẩn bị văn khấn cất nóc nhà mang ý nghĩa báo cáo tiến trình và cầu mong thần linh chứng giám cho việc xây dựng nhà ở của gia đình. Dưới đây là mẫu bài khấn cúng lễ đổ mái nhà cho gia chủ:

“Nam mô a di Đà Phật

Nam mô a di Đà Phật

Nam mô a di Đà Phật

– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

– Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị Tôn thần.

– Con kính lạy quan Đương niên.

– Con kính lạy các tôn thần bản xứ.

Tín chủ (chúng) con là: ……………………

Ngụ tại: ………………………………………

Hôm nay là ngày …… tháng …… năm ……

Tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương, dâng lên trước án, có lời thưa rằng: Vì tín chủ con khởi tạo …………….. cất nóc căn nhà ở địa chỉ: …………… ngôi dương cơ trụ trạch để làm nơi cư ngụ cho gia đình, con cháu.

Nay chọn được ngày lành tháng tốt, kính cáo chư vị linh thần, cúi mong soi xét và cho phép được cất nóc.

Tín chủ con thành tâm kính mời:

Ngài Kim Niên Đường cai Thái Tuế chí đức tôn thần.

Ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại vương.

Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa.

Ngài Định phúc Táo quân.

Các ngài Địa chúa Long Mạch tôn thần và tất cả các vị Thần linh cai quản trong khu vực này.

Cúi xin các Ngài, nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho chúng con được vạn sự tốt lành, công việc hanh thông, chủ – thợ được bình an, ngày tháng hưởng phần lợi lạc, âm phù dương trợ, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.

Tín chủ lại xin phổ cáo với các vị Tiền chủ, Hậu chủ và các vị Hương linh, cô hồn y thảo phụ mộc, phảng phất quanh khu vực này, xin mời các vị tới đây thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ, cũng như chủ thợ đôi bên khiến cho an lành, công việc chóng thành, muôn sự như ý.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật

Nam mô a di Đà Phật

Nam mô a di Đà Phật”

 

Lưu ý:

  • Bài văn khấn trên có thể được sử dụng cho tất cả các buổi lễ đổ mái nhà tầng 1, tầng 2, tầng 3,... gia chủ chỉ cần thay đổi số tầng trong bài cúng là được.

  • Trong trường hợp gia chủ phải mượn tuổi làm nhà thì bài văn khấn cất nóc nhà cũng tương tự như trên nhưng khi đọc phần tên tuổi gia chủ sẽ được thay thế bằng tên tuổi của người cho mượn tuổi.

  • Nếu gia chủ thấy bài khấn khó thuộc hoặc quá dài, có thể ghi chép bài văn khấn này ra giấy đọc để lễ cúng bái diễn ra có sự chỉn chu hơn.

5. Những lưu ý khi làm lễ cất nóc - đổ mái nhà

luu y khi lam le cat noc do mai nha

Thành tâm khi làm lễ cất nóc nhà mang đến sự may mắn, suôn sẻ cho gia chủ và các thành viên cùng chung sống dưới một mái nhà.

Khi làm nghi lễ cất nóc nhà, bên cạnh việc phải xem ngày, giờ phong thủy ra thì gia chủ cần phải chú ý những điều sau để buổi lễ diễn ra thuận lợi:

  • Không nên để phần mái nhà quay về phía góc ao hoặc góc miếu, góc đình,... làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, vận may của cả gia đình.

  • Gia chủ nên đổ mái nhà quay phần mặt dài về phía Nam, phần đỉnh mái dài từ Đông đến Tây.

  • Trước khi làm lễ cúng cất nóc cần tắm rửa sạch, ăn mặc lịch sự, nhã nhặn để thể hiện sự thành tâm, tránh ăn mặc quá hở hang.

  • Khi đọc văn khấn cất nóc nhà  phải thể hiện được sự thành tâm với các bậc bề trên, đọc rõ ràng, không cần đọc quá to gây ảnh hưởng đến sự linh thiêng của nghi lễ.

  • Để buổi lễ diễn ra trang trọng và thành kính, tất cả những người tham gia không nên nói chuyện, cười đùa ầm í và đặc biệt là tránh để trẻ em đi vào khu vực làm lễ, hạn chế làm đổ vỡ mâm cúng.

  • Bên cạnh các yếu tố về thời gian, gia chủ cần xem xét thêm các yếu tố khác như thời tiết để tránh làm việc lễ cất nóc diễn ra trong thời tiết xấu.

Bài viết trên đã giới thiệu cho bạn về nghi lễ cũng như bài văn khấn cất nóc nhà. Đây là nghi lễ truyền thống như lời cầu mong cho gia chủ và các thành viên sống trong ngôi nhà đó đều gặp bình an và may mắn. Hy vọng với những thông tin này, bạn sẽ biết mình phải chuẩn bị những lễ vật gì và cần lưu ý những điều gì để có thể tổ chức được buổi lễ cúng đổ mái nhà được trang trọng và tươm tất nhất!

Biên tập viên: Hải Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây